Tóm tắt vụ Dreyfus Vụ_Dreyfus

Jeu de l'oie của vụ Dreyfus

Cuối năm 1894, đại úy quân đội Pháp Alfred Dreyfus, cựu sinh viên Trường Bách khoa Paris, một người gốc Alsace Do Thái giáo, bị buộc tội đã để lộ cho người Đức một số tài liệu bí mật, bị kết án tù khổ sai chung thân về tội phản quốc và đày đi Đảo Quỷ thuộc Guyane. Vào lúc đó, các quan điểm của giới chính trị Pháp là hoàn toàn ác cảm với Dreyfus.

Một ít người không tán đồng bản án, trước hết là người anh trai Mathieu, rồi đến gia đình Dreyfus, đã cố gắng chứng minh sự vô tội của ông, sau được hưởng ứng bởi nhà báo Bernard Lazare. Đồng thời, trung tá Georges Picquart, người chỉ đạo vụ phản gián, khẳng định vào tháng 3 năm 1896 rằng kẻ phản bội thực sự phải là thiếu tá Ferdinand Walsin Esterházy. Tuy nhiên, bộ tham mưu từ chối xem xét lại quyết định của mình và thuyên chuyển Picquart tới Bắc Phi.

Để thu hút sự chú ý về sự yếu ớt trong các bằng chứng chống lại Dreyfus, tháng 7 năm 1897 gia đình ông đã liên hệ với chủ tịch danh dự của Thượng viện Auguste Scheurer-Kestner người đã thông cáo, sau đó ba tháng, ông đã chịu thuyết phục rằng Dreyfus vô tội, và cũng đã đồng thời thuyết phục Georges Clemenceau, một cựu nghị viên và nhà báo. Cùng tháng đó, Mathieu Dreyfus khiếu nại chống Walsin-Esterházy lên Bộ Chiến tranh. Khi phạm vi những người ủng hộ Dreyfus bắt đầu mở rộng, hai sự kiện xảy ra vào tháng 1 năm 1898 làm cho vụ việc trở nên có quy mô quốc gia: Esterházy được tha bổng, dưới sự ủng hộ của những người bảo thủ và những người dân tộc chủ nghĩa; và Émile Zola đăng bài « Tôi buộc tội...! »(J'Accuse...!) biện hộ cho phe ủng hộ Dreyfus (dreyfusard) đã lôi kéo được rất nhiều nhà trí thức. Một quá trình chia cắt nước Pháp bắt đầu, điều còn kéo dài cho đến hết thế kỷ. Các cuộc bạo động bài Do Thái bùng phát ở trên 20 thành phố nước Pháp, và người ta ghi nhận nhiều người đã thiệt mạng ở tỉnh Alger. Nền Cộng hòa bị chấn động, một số người thậm chí tin rằng nó đang lâm nguy và nỗ lực tìm cách chấm dứt vụ Dreyfus để vãn hồi sự ổn định.

Bất chấp mưu mô của quân đội muốn làm sự việc chìm xuống, bản án kết tội Dreyfus đầu tiên bị hủy bỏ bởi Tòa Thượng thẩm sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng và một tòa án binh mới được thành lập ở Rennes năm 1899. Trái với mọi mong đợi, Dreyfus bị kết án một lần nữa, mười năm lao động khổ sai, dù sao, với những tình tiết giảm nhẹ. Kiệt sức với đợt đi đày 4 năm trời, Dreyfus đã chấp nhận lệnh đặc xá của Tổng thống Émile Loubet. Phải đến năm 1906 sự vô tội của ông mới được thừa nhận chính thức thông qua một án quyết không chiếu xét của Tối cao Pháp viện[5]. Được phục hồi danh dự, đại úy Dreyfus trở lại quân ngũ với quân hàm thiếu tá và tham gia vào Thế chiến I. Ông mất năm 1935.

Những hậu quả của vụ bê bối này là không kể hết và động chạm tới mọi khía cạnh trong đời sống công chúng Pháp: chính trị (nó cống hiến thắng lợi cho nền cộng hòa và trở thành một thứ huyền thoại lập quốc[6] (mythe fondateur) khi làm sống dậy chủ nghĩa dân tộc, quân sự, tôn giáo (nó đã kéo chậm lại cuộc cải cách Công giáo ở Pháp, cũng như sự dung hợp vào nền cộng hòa của những người Công giáo), xã hội, tư pháp, truyền thông, ngoại giao và văn hóa (chính trong thời kỳ này mà thuật ngữ giới trí thức (intellectuel) đã ra đời). Vụ việc cũng có tác động tới quốc tế với phong trào phục quốc Do Thái thông qua một trong những người sáng lập, Théodore Herzl, và bởi những cảm xúc do những cuộc biểu tình bài Do Thái gây nên trong cộng đồng người Do Thái ở Tây và Trung Âu.

Thuật ngữ liên quan

Trong các tài liệu tiếng Pháp về vụ Dreyfus, các thuật ngữ na ná nhau có thể gây bối rối:

  • Dreyfusards chỉ những người ủng hộ Dreyfus sớm nhất, theo đuổi sự thừa nhận vô tội cho ông ngay từ đầu.
  • Dreyfusiste chỉ những người quan tâm sau đó tới vụ án và nhìn thấy từ vụ này sự cần thiết giải quyết các câu hỏi lớn hơn về chính trị-xã hội Pháp (một số dreyfusard cũng nằm trong số họ).
  • Dreyfusiens là thuật ngữ chỉ những người hưởng ứng bài báo « L'Appel à l'union » ("Lời kêu gọi thống nhất") trên tờ Le Temps tháng 1 năm 1899, là những người thông cảm cho Dreyfus nhưng cảm thấy mối chia rẽ đã đẩy nước Pháp tới bờ vực hiểm nghèo và họ đóng vai trò cân bằng hai phe. Đây là lực lượng thường ủng hộ các chính sách của Waldeck-Rousseau và cổ vũ sự thế tục hóa xã hội.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ_Dreyfus http://www.cahiers-naturalistes.com/centenaire_reh... http://www.roi-president.com/elections_legislative... http://www.assemblee-nationale.fr/histoire/Dreyfus... http://www.assemblee-nationale.fr/histoire/Dreyfus... http://rennesetdreyfus.blogspot.fr/ http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k21872p http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k24250f http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k24251s http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k242524 http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k24254t